Như tin đã đưa, anh Lê Hữu Thuận (SN 1980) và vợ là Phạm Thị Thanh Huyền (SN 1979, trú khu phố 1, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) trình báo về việc vào khoảng 18h40 ngày 25/11, con gái hơn 20 ngày tuổi của anh chị đã bị bắt cóc tại nhà riêng. Quá trình xác minh, ngày 27/11, cơ quan chức năng tìm thấy thi thể cháu bé ở bãi rác thuộc phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn.
Từ những bằng chứng thu thập được, cơ quan điều tra khẳng định, không hề có vụ bắt cóc nào xảy ra. Nghi can sát hại cháu bé là bà Phạm Thị Xuân (SN 1952, bà nội cháu bé). Việc bắt cóc do bà Xuân tự dàn dựng và thuật lại.
Bà Xuân khai, nguyên nhân bà sát hại cháu nội mình do nghe lời thầy bói, cho rằng cháu là nghiệp chướng của gia đình. Tối 25/11, bà Xuân đã sát hại cháu nội rồi giấu xuống gầm giường, đồng thời tự dựng lên vụ bắt cóc. Sau khi bị công an gọi lên lấy lời khai, bà Xuân trở về, mang cháu bỏ vào bao tải rồi để vào thùng rác cách nhà vài trăm mét.
Thầy bói có xúi giục bà giết cháu không?
Đánh giá về vụ việc này, luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) – phân tích: nghi phạm là bà nội của cháu bé để che giấu hành vi phạm tội đã dàn dựng màn kịch bị 2 đối tượng đi xe máy đến nhà, dùng vũ lực đe dọa, bắt cóc cháu bé rồi nhanh chóng tẩu thoát.
“Bà Xuân (cùng một số đối tượng – nếu có) dùng thủ đoạn rất xảo quyệt, trái với luân thường đạo lý, đi ngược lại với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và những giá trị đạo đức xã hội, tước đi quyền được sống của một sinh linh bé nhỏ mới 20 ngày tuổi.” – luật sư Tuấn nhấn mạnh.
Theo quan điểm của Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh, bất cứ động cơ, mục đích gì đưa ra đều không thể biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng của nghi phạm trong vụ án, cần thiết xử lý thật nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Đối với hành vi sát hại cháu bé mang vứt thi thể vào thùng rác, nghi phạm phải chịu trách nhiệm về tội “Giết người” theo điểm c, khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự (Giết trẻ em) với mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Cũng theo luật sư Tuấn, nếu quá trình điều tra, cơ quan công an xác định có đối tượng khác được bà Xuân thuê để sát hại cháu bé, bà Xuân và đồng phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c, điểm m, khoản 1 Điều 93 BLHS (“Giết trẻ em” và “Thuê giết người hoặc giết người thuê”).
Ngoài ra, theo luật sư Tuấn, cơ quan điều tra cần thiết làm rõ nguyên nhân phạm tội của các nghi phạm. Ban đầu, nghi phạm Xuân khai do tin vào lời thầy bói nên đã ra tay sát hại cháu nội của mình.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khám nghiệm hiện trường vụ án.
“Đối với hành vi của thầy bói, cơ quan điều tra cần thiết làm rõ có việc hành nghề mê tín dị đoan và xúi giục bà Xuân giết cháu nội hay không. Trường hợp có đủ căn cứ chứng minh đối tượng thầy bói hành nghề mê tín dị đoan đã có hành vi xúi giục bà Xuân sát hại cháu nội mới sinh, đối tượng thầy bói phải chịu trách nhiệm đồng phạm về tội “Giết người” với vai trò là người xúi giục, kích động, thúc đẩy người khác thực hiện hành vi phạm tội (giúp sức về mặt tinh thần).” – luật sư Tuấn nhận định.
Trường hợp chưa có đủ căn cứ chứng minh đối tượng thầy bói trong quá trình hành nghề mê tín dị đoan trực tiếp xúi giục bà Xuân sát hại cháu bé, tùy thuộc vào kết quả điều tra vụ án, cơ quan công an có thể xử lý đối tượng thày bói về hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan”.
Đồng quan điểm, luật sư Trịnh Ngọc Ninh – Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Hoàng Gia, thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) phân tích: “Chỉ khi có bằng chứng rõ ràng là thầy bói xúi giục bà này về giết cháu, khi đó sẽ xử lý hình sự thầy bói là đồng phạm tội giết người. Điều này thực tế khó xảy ra”. Bởi vậy lời phán của thầy bói là vấn đề cần phải làm rõ.
Tuy nhiên, nếu đúng lời phán vô căn cứ của thầy bói là nguyên nhân dẫn đến ý định phạm tội và quyết định thực hiện tội phạm của nghi phạm thì thầy bói có thể bị xử lý hình sự về tội hành nghề mê tín, dị đoan. Do việc hành nghề mê tín dị đoan của thầy bói mà gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Ninh cho biết, tội hành nghề mê tín dị đoan theo quy định tại điều 247, Bộ Luật hình sự, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt ở mức cao nhất đến 10 năm tù.
“Tin thầy bói mà giết người thì càng phải tăng nặng hình phạt”
Theo lời khai của bà nội bị hại thì nguyên nhân dẫn đến việc bà giết cháu là do thầy bói phán cháu bé là “yêu nghiệt” của gia đình, nếu cháu sống thì bà phải chết và ngược lại. Từ chỗ quá tin lời thầy bói, người bà đã có hành vi sát hại cháu. Theo Luật sư Ninh, trước hết phải khẳng định, bà nội cháu là người đủ năng lực hành vi dân sự, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự nên không thể đổ lỗi cho thầy bói hoặc bất cứ ai mà phải hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
“Lý do đó không thể là cơ sở để loại bỏ trách nhiệm hình sự của nghi phạm được. Còn theo luật sư đánh giá, thậm chí còn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự vì liên quan đến vấn đề mê tín, dị đoan. Nghe vào một lời mê tín, dị đoan để thực hiện một hành vi giết người một cách quá dã man như thế thì càng phải xử lý nghiêm”, luật sư Ninh nhận định.
Về lời khai của nghi phạm, theo luật sư Ninh đánh giá, lời khai chưa chắc đã đúng sự thật bởi người bà sống giữa thị xã Bỉm Sơn hiện đại văn minh chứ không phải ở vùng sâu vùng xa có trình độ nhận thức thấp kém, thiếu hiểu biết, mông muội…
“Nhất thiết phải điều tra, làm rõ và điều này không khó. Cơ quan điều tra họ hoàn toàn có thể điều tra và chắc chắn họ sẽ làm ra”, luật sư Ninh nói thêm.
Duy Tuyên – Tiến Nguyên