Những món quà sáng dân dã chỉ có ở miền Tây

Chuối nếp nướng

Vị ngọt lịm của chuối chín quyện với vị béo ngậy của nước cốt dừa và đậu phộng rang tạo nên món ăn đơn giản của người miền Tây.

Giá cho một phần dao động từ 5.000 đồng. Ảnh: Liêu Lãm.

Miền Tây có nhiều loại chuối nếp nướng khác nhau và cách nhận biết chủ yếu dựa vào lớp vỏ nếp bên ngoài. Có nơi dùng xôi nếp được hấp chín qua nước dừa để làm vỏ, nhưng ngon nhất là chuối bọc bột nếp trộn với nước cốt dừa, đem gói trong lá chuối rồi nướng.

Người nướng phải trở bánh đều tay để không bị khét. Khi lá chuối cháy sém vàng và có mùi thơm là bánh chín. Chính cách làm này giúp bánh thêm phần đậm đà mà vẫn giữ được vị ngon.

Xôi bắp

Nếu xôi ngô miền Bắc thường có vị mặn thì xôi bắp ở miền Tây lại là xôi ngọt. Bắp và nếp được nấu cùng nước dừa đến nhão. Hạt bắp nở bung rất mềm, màu trắng, bên trên có lớp dừa nạo, muối mè và đậu phộng.

Xôi bắp miền Tây nửa giống xôi nửa giống cháo, giá trung bình 5.000 đồng một gói. Người ăn khỏe có thể ăn 2-3 gói mới no. Ảnh: YouTube.

Cách nấu xôi bắp thoạt nhìn thì đơn giản nhưng không kém kỳ công. Bắp được ngâm nước vôi trong trước khi nấu cho bong vỏ, hạt mềm. Sau đó bắp đã nấu chín đem đồ với đậu xanh, gạo nếp đến khi ngửi thấy mùi thơm nức tỏa ra thì cũng là lúc xôi chín tới.

Món xôi dân dã này cũng được bày bán nhiều ở các khu chợ miền Tây, cũng có người đạp xe đi bán dọc đường.

Bánh da lợn

Ít ai biết được lí do vì sao món bánh miền Tây này lại được gọi bằng cái tên đậm chất Bắc đến thế. Bánh da lợn có nhiều lớp chồng lên nhau, chia tầng rõ rệt, được làm từ bột năng, bột nếp, đường và cốt dừa. 

Chiếc bánh có màu sắc bắt mắt được nhuộm từ lá dứa hoặc lá cẩm, gấc hay bột nghệ. Ảnh: CanThoTV.

Thông thường, người ta không dùng dao để cắt bánh da lợn vì sẽ làm bánh nát, dính vào lưỡi dao. Để chia bánh, người chế biến thường khéo léo dùng một sợi chỉ mảnh, dứt khoát xắn xuống, tạo ra những miếng nhỏ đều.

Món này dễ ăn, thích hợp cho những ai muốn có một bữa sáng nhẹ nhàng. Từng chiếc bánh dẻo thơm, đượm hương lá dứa sẽ để lại nhiều ấn tượng cho những người lần đầu tiên ghé chân tại miền Tây sông nước.

Bánh bò thốt nốt

Bánh bò thốt nốt cũng là một trong những món ăn ưa thích của người miền sông nước, đặc biệt ở An Giang, nơi có nhiều cây thốt nốt. Các nguyên liệu chính để làm bánh gồm: bột thốt nốt, bột gạo, đường thốt nốt và nước cốt dừa.

Bánh bò thốt nốt có màu vàng tự nhiên, thường được gói trong lá chuối xiêm, bên trên có lớp dừa nạo. Ảnh: dulichvn.

Bột bánh được làm từ vỏ trái thốt nốt già, sau khi mài nhuyễn lấy bột thì người làm lược lấy nước, pha chung với bột gạo. Từ khâu ủ bột lên men, người ta phải thường xuyên canh chừng. Bột khô thì bánh không xốp, còn bột quá ướt bánh cũng không ngon.

Cắn miếng bánh còn nóng hổi, chậm rãi nhai, bạn sẽ thấy vị ngọt béo hòa quyện, lại có mùi thơm thoang thoảng của thốt nốt.

Bánh còng, bánh cam

Bánh cam, bánh còng là món ăn gắn với tuổi thơ của nhiều người ở miền Tây. Khắp các ngõ xóm, bạn đều có thể bắt gặp các dì, các chị đội nón lá với mâm bánh bên hông, đi bộ bên đường với tiếng rao thân thương.

Bánh còng bánh cam đều được chiên vàng, bên ngoài được phủ một lớp mè và kẹo đường ngọt lịm. Ảnh: huongdanlambanh.

Bánh cam được làm từ bột gạo và bột nếp, bên trong nhân là đậu xanh được tán nhuyễn trộn với đường cát. Để vỏ bánh giòn hơn, nhiều người còn cho thêm ít khoai lang, lại dậy mùi thơm.

Bánh còng có nguyên liệu cũng gần giống như bánh cam, nhưng không có nhân bánh. Bánh hình vòng, người miền Tây thì quen gọi lái thành còng nên bánh mới có tên gọi như vậy.

Hai loại bánh đều ngọt nên dễ gây ngán, nhưng cũng rất chắc bụng cho bữa sáng.

Hổ trợ online

Tư vấn miễn phí 24/7

Mr Lưu Tiến: 0919.44.0236

Tư vấn Teambuilding

Mr Lưu Tiến: 0905748802

Tư vấn thuê xe

Mr Tiến : 0919.44.0236

Chúng tôi trên facebook